Old school Swatch Watches
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

 Hậu Chí Phèo


Phan_5

Thực tế, giống lúa 1A có lợi thế là ngắn ngày. Cấy nó trong vụ mùa sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng diện tích vụ Đông. Vụ Đông đang là “mốt”, là vấn đề kinh tế, chính trị của quốc gia. Nơi nào có diện tích vụ Đông lớn, có sản lượng cao, thế nào cũng được dư luận quan tâm khen ngợi. Dư luận đã quan tâm, khen ngợi thì con đường lên quan, tiến chức nhanh lắm.

Sau vụ thứ nhất, thấy năng suất lúa cũng tạm chấp nhận được. Vụ thứ hai, dưới cơ sở báo lên, năng suất đạt cũng khá. Cụ Chí mừng quá! Đến vụ thứ ba, cũng qua báo cáo của cơ sở gửi lên, diện tích không những được mở rộng mà cơ sở nào cũng cam kết với cụ Chí là năng suất lúa ngắn ngày 1A sẽ còn khá hơn. Thế là quá tam ba bận, cụ Chí thấy cần phải kiểm tra khảo sát lại thực tế một lần nữa, để làm báo cáo trình Trung ương. Thực tế, làng Vũ Đại, con đường đưa giống lúa mới vào sản xuất, chưa có địa phương nào thành công với qui mô cơ cấu một giống lúa. Cụ đã nóng lòng đợi kết quả lần này. Hy vọng của cụ là bằng thực tế đánh ngã nhiều nhà nông nghiệp có ý kiến trái ngược với cụ về giống lúa 1A.

Cuối tháng chín năm ấy, thời tiết đã se lạnh. Tôi, cụ và một trợ lý của cụ, thành một đoàn đi khảo sát thắng lợi cuối cùng của giống lúa 1A. Cụ Chí mặc áo cộc tay, chân gọn gàng trong bộ dép lốp, ngồi ngay ngắn trên ghế trước xe Von-ga.

Sau khi đi khảo sát kết quả ở nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trên đường về trụ sở, mặt cụ lúc nào cũng tươi roi rói. Cụ đang thầm cảm ơn trời đất đã cho cụ vận may cuối đời. (Mặc dù cụ luôn kêu ca với cấp dưới rằng: “Ba năm qua, thời tiết rất khắc nghiệt nhưng cái giống lúa 1A kỳ diệu lắm, vẫn vượt lên!”). Cụ đã nhiều lần nói trước hội nghị, cũng như nhiều lần tâm sự với chúng tôi: “Thực tế bao giờ cũng là chân lý. Bác không phải là kỹ sư nông nghiệp, nhưng cái nông nghiệp làng Vũ Đại phức tạp lắm. Kỹ sư không lăn lộn chắc đã ăn nhằm gì”.

Hôm ấy, đã bốn giờ chiều rồi mà chiếc xe Von-ga vẫn còn “hùng dũng” rú ga, bò đi trên con đường nông thôn xóc xách. Tôi và trợ lý của cụ ngồi ở ghế phía sau, tay luôn phải bám chắc vào hai bên thành cửa xe, nhằm chống lại những cái xóc kinh người, do những ổ gà, ổ trâu trải chi chít trên con đường nông thôn nhỏ hẹp. Chốc chốc, chúng tôi lại buột miệng kêu lên: “Xóc quá!”.

Thực tình, lội ruộng và chè chén cả ngày, chúng tôi cũng đã thấm mệt. Gió bấc đã lạnh mà lái xe vẫn chảy mồ hôi trán. Riêng cụ đã ngoài sáu mươi tuổi mà xem ra cụ còn chưa tỏ ra mỏi mệt gì. Mắt cụ không mấy khi không ngó nhìn sang miệt đồng bên phải, hoặc bên trái. Nhìn lúa tốt, cụ không hề giấu diếm niềm vui. Cụ đã rất nhiều lần buông ra lời cảm thán:

– Lúa tốt thật!

Thường, sau lời cảm thán của cụ, chúng tôi cũng nhanh nhẩu đáp lại:

– Vâng, thưa cụ, tốt thật!.

Thường, sau lời đáp của chúng tôi, cụ nở một nụ cười mãn nguyện. Sau đó, cụ thường im lặng một lúc dài. Có bận, cụ còn đưa khăn lên thấm thấm vào mắt. Nhưng lần này, cụ lại không thể hiện sự sung sướng đó mà tiếp tục nói chuyện với hai chúng tôi:

– Các cháu phải khẩn trương làm nhanh báo cáo khoa học kỹ thuật đi chứ. Chỉ còn ít ngày nữa là Trung ương làng sẽ họp. Các cháu khẩn trương lên, kẻo không kịp mất.

Chúng tôi trả lời:

– Thưa cụ, chúng cháu đã chuẩn bị đủ cả rồi ạ.

Chẳng biết vì sao, cụ Chí bỗng nổi cáu lên:

– Đủ là thế nào? Một cuộc cách mạng về giống lúa đầu tiên cho cả làng, lớn đến như vậy. Đủ là đủ thế nào? Các cháu là chúa hay chủ quan.

– Dạ! Thưa cụ. Chúng cháu dự tính phải viết thêm ạ.

Cụ Chí chuyển sang giọng dạy dỗ chúng tôi:

– Các cháu hay quen cái lối viết tắt, làm tắt. Bản báo cáo khoa học này phải viết cụ thể, chi li vào. Phải bắt đầu từ chuyện lãnh đạo vào Nam. Gặp gỡ trong đó thế nào? Họ trao giống 1A cho ta ra sao? Giống bảo vệ trên đường như thế nào? Tay thủ trưởng nông nghiệp của các cháu cứ bảo nóng, giống không đảm bảo. Khoa học của các cháu chán mớ đời lắm! Các cháu chỉ biết: đang ẩm, gặp nóng thì nảy mầm; đang ẩm gặp nóng cũng nảy mầm. Thiếu thực tế lắm, các cháu ạ! Bác tính toán cả rồi. Giống lúa tớ để trên cốp xe thì hỏi ẩm, nóng ở đâu ra? Nóng, thì bác đã chống bằng cách bọc nó vào túi ny lông cẩn thận. Còn ẩm, sao bác để quên gói thuốc lá trên đó cả tuần không mốc? Chuyến đi khảo sát này là bác dành riêng cho các cháu. Xuống cơ sở, các cháu biết tình cảm của nông dân cả làng ta đối với giống 1A rồi đấy. Khoa học không thể thiếu được tình cảm. Các cháu hiểu chưa?

Cụ Chí ngừng lời. Chúng tôi lại vội chen vào:

– Dạ! Chúng cháu đã nghe và ghi âm hết vào đầu, rồi ạ.

– Không, không. Phải viết vào báo cáo để bác cần, bác còn lôi ra, chứ ở trong đầu các cháu, bác bổ óc các cháu ra mà dùng à?

– Dạ! Chúng cháu sẽ viết ra giấy ạ.

– Bao nhiêu trang?

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Cụ gắt:

– Bao nhiêu? Không thể dưới năm mươi trang, các cháu nhá.

– Dạ vâng! Chúng cháu có thể viết được dài hơn đấy ạ.

Cụ khen.

– Tốt! Tốt!

Bất ngờ, cụ rẽ ngoặt câu chuyện sang “lối” khác. Cụ tâm tình:

– Bác thì chả còn mấy nữa mà về hưu. Chà, nhanh quá. Mới ngày nào còn đi vận động bà con tổ chức hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Thế mà, nay cũng sắp già rồi. Này, các cháu.

– Dạ. Chúng tôi đồng thanh.

– Người ta sống, quan trọng là được cống hiến, phải không?

– Dạ, phải. Nhưng chỉ có người cách mạng mới như vậy.

– Thì bác chẳng đang nói cách mạng, chứ còn nói cái gì?

Chúng tôi im lặng. Cụ tâm sự:

– Bác thì cũng đã sắp về hưu. Hy vọng công trình khoa học này sẽ là cống hiến cuối đời cách mạng của bác. Thế là hoàn thiện cho bác lắm rồi. Lần cách mạng thứ nhất, bác đánh đổ Bá Kiến, Lý Cường. Lần Cách mạng thứ hai: xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp – cái xương sống của chủ nghĩa xã hội ở nông thôn. Chủ nghĩa xã hội là khoa học. Lần Cách mạng thứ ba là công trình khoa học này đây. Các cháu còn trẻ chưa biết, hồi trước cách mạng, lối sống riêng lẻ, “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, tổ chức hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi làm bì bà bì bạch. Nhưng ở làng mình bác làm gọn lẹ chưa từng có. Không phải làng mình bà con nông dân tự giác vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đâu. Cái chính là cách làm. Khắp nơi, biết bao cuộc họp, bàn đi tính lại nhưng chỉ là lác đác mấy hộ nộp đơn xin vào. Các tổ công tác xuống địa bàn vận động mãi, khí thế vẫn ì ạch, trung ương lo, cứ tưởng là hỏng. Thế là bác phải ra tay. Bác sai người đánh trống gọi làng đến họp. Rất đông đủ cả làng, bác mới ra lệnh:

– Trước cách mạng, nhà nào chưa có đất, đứng sang một bên.

Bác hỏi những người này:

– Ruộng đất, trước khi cách mạng chia cho bà con là của ai?

Mọi người trả lời:

– Của địa chủ, phong kiến, đế quốc ạ.

Bác hỏi tiếp:

– Ai giành ruộng đất từ tay địa chủ, phong kiến, đế quốc?

Mọi người lại đồng thanh:

– Cách mạng. Cách mạng ạ.

– Đúng rồi. Vậy, bà con nghĩ coi, đất đó là của ai? Của cách mạng chứ còn của ai nữa? Trước đây, cách mạng chia cho bà con mỗi người mỗi ruộng. Nay, cách mạng yêu cầu bà con đem đất đó nộp vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cùng nhau làm ăn chung… Làm ăn chung vui hơn, nhiều thóc hơn. Bà con không chịu vào là cớ làm sao? Rồi bác tuyên bố: Ai không vào là chống cách mạng, là cách mạng sẽ thu hồi lại ruộng đất.

Bác chỉ mới nói có thế mà hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thành công đấy, các cháu ạ. Ai mà dám chống lại cách mạng, đúng không?

– Tài thật! Tài thật! Vĩ nhân! Cụ là vĩ nhân, nhất định là vĩ nhân, nhất định chỉ đứng sau các vị tiền bối cách mạng! – Chúng tôi đều thưa – Tuyệt! Thực là diệu kế. Cụ là người luôn hiểu sâu sắc từ thực tiễn đến lý luận về Chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Hồi có một số xã viên tự ý chiếm đất, vỡ hoang, nếu cụ không ký lệnh phá lúa, dù lúa đã có đòng trên những thửa ruộng vỡ hoang đó, thì mấy tay lãnh đạo cấp dưới khó mà củng cố được hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

– Chứ còn gì? – Cụ tâm đắc khẳng định – Các cháu học nhiều, biết nhiều mà hiểu thực tế và lý luận chủ nghĩa Mác còn nông lắm. Tinh thần của Chủ nghĩa Mác là sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân và do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đất đai không là tài sản chung à? Đất đai đã là của chung, thì bất kể cây gì, con gì ở trên đó, đều là của chung cả. Anh không chịu làm ăn trong hợp tác xã, bỏ đoàn, bỏ đội, tự ý quay về làm ăn cá thể, đi vỡ hoang. Bác mới cho phá lúa đi là may, chứ đúng ra phải bắt bỏ tù mới đúng luật. Đúng không các cháu?

Chúng tôi lại đồng thanh:

– Dạ! Đúng ạ.

Nhờ thảo luận bản báo cáo gửi lên trung ương làng Vũ Đại và chuyện phiếm dông dài về ba mươi năm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp mà chúng tôi ra khỏi con đường nông thôn nhỏ, hẹp, nghiêng ngửa, xộc xệch một cách bình yên.

Đường nhựa êm ả, chiếc xe Von-ga tăng tốc, vụt đi. Gió như lạnh nhiều hơn. Mưa chiều tháng chín cũng đã lác đác bay. Cứ cái tốc độ này, chẳng mấy chốc, chúng tôi sẽ về tới trụ sở. Bỗng cụ lại ra lệnh:

– Rẽ trái. Rẽ trái.

Đã quen với mệnh lệnh bất ngờ, đồng chí lái xe bình tĩnh đạp mạnh phanh, chiếc Von-ga bất ngờ tung đít lên, đột ngột chậm lại, và rẽ trái.

Cũng ngay lúc đó, cụ nói như ra lệnh:

– Vào cái thằng cu Thanh này xem lúa má thế nào?

Lại một lần nữa chiếc Von-ga rơi vào cái thế phải rú ga bò đi “hùng dũng”. Khi xe tới giữa đồng lúa, cụ ra lệnh dừng xe lại. Như mọi khi, cụ vội mở cửa xe bước ra trước. Khi cụ đã đứng thẳng lên, hai tay chống vào mạng hông, mặt vuông góc với cánh đồng, thì chúng tôi mới dám mở cửa bước ra theo. Cùng lúc đó, theo thường lệ, lái xe bóp còi inh ỏi.

Hải kể tới đây thì bác Thanh ngắt lời, chen vào:

– Tôi nghe tiếng còi ô tô thì dừng ngay tay lại. Vợ tôi ốm mấy hôm, ngải cứu chờm uống không khỏi, gừng đánh gió đánh máy cũng không bớt, binisilin tiêm cũng chẳng ăn thua gì. Chiều đó, lại đùng đùng lên cơn sốt. Tôi đang buộc cáng vào xe đạp để đưa vợ lên bệnh viện. Tiếng còi ô tô làm tôi chột dạ. Có lẽ lại cái ông “nhà nông cự phách” của làng đi cơ sở kiểm tra đây. Gớm ghiếc, nhức cả đầu, cả óc. Lần nào cũng hạch sách, căn vặn đủ điều. Lúc đầu tôi còn phân vân: “Không biết còi gọi bí thư, chủ tịch, hay tôi?”. Một đợt bóp còi nữa lại vang lên. Tôi đếm từng hồi một. “Thôi, đích là gọi cả lũ rồi” – Tự nhiên bác Thanh chuyển giọng:

– Đồng chí ạ! Cả làng tôi ai cũng thuộc, nếu cái xe Von-ga ấy đến khu, xóm: còi vang đều hai lần là gọi Chủ tịch cấp dưới; còi vang đều ba lần là gọi chủ nhiệm hợp tác xã. Biết còi gọi cả lũ, tôi bỏ cáng chạy ngay. Tôi chạy vòng xuống ngõ dưới gọi bí thư:

– Cụ Chí đến…

Tôi chạy ngược sang xóm bên, gọi chủ tịch:

– Cụ Chí đến!

Tôi vừa chạy, vừa gọi, vội vàng, hớt hải như xe cứu hỏa đi chữa cháy.

Tôi là người đầu tiên ra tới chỗ cụ Chí. Thấy cụ đang rẽ lúa, bước đi. Giống lúa mới cao ngập nách cụ, lại đang kỳ chắc hạt, chen chúc, đong đưa. Xem chừng cụ hể hả lắm!

Kỹ sư Hải chen vào:

– Khỏi nói hết sự sung sướng của cụ. Cụ đi trong lúa tốt bời bời, tay sờ bông bên này, tay sờ bông bên kia. Lúc lúc lại dùng hai tay dồn cụm chúng lại, cứ như cụ muốn ôm cả ruộng lúa vào lòng như ôm niềm vui hạnh phúc lớn của cả đời cụ. Vừa rẽ lúa, vừa xăm xăm bước đi, chốc chốc cụ lại khen: “Thằng cha Thanh, khá! Khá!”.

Bác Thanh thấy đoạn chuyện Hải kể, hứng chí quá, lại ngắt lời:

– Khi tới bờ ruộng, tôi vội vàng xắn quần lên, định rẽ lúa bước xuống gần chỗ cụ đang lội. Biết cụ hay ra lệnh ở trên đồng, tôi định lội nhanh lại để lắng nghe chỉ thị. Khi tôi sắp lội xuống ruộng thì cụ đã vội vàng ngăn lại:

– Thôi! Thôi! Cháu Thanh! Biết cả rồi! Bác biết cả rồi! Khá lắm! Bà con phấn khởi chứ?

Tôi chưa kịp trả lời, cụ lại giả vờ không biết, hỏi:

– Này, giống lúa gì mà tốt thế?

Tôi buột miệng trả lời:

– Dạ thưa cụ! Giống X. đấy ạ.

– Giống gì? – Cụ hỏi lại. Lúc đó tôi vẫn chưa nhận ra chuyện gì, thuận mồm trả lời tiếp:

– Dạ thưa! Giống X. đấy ạ.

Đang bước về phía tôi, đang mặt mày tươi rói, bỗng cụ đứng lại, mặt tái dần. Cụ lẩm bẩm:

– X. à? X. à? X. dám phá lưới hả?

Quả là lúc ấy, tôi còn chưa hiểu chuyện gì thật. Thấy cụ đùng đùng nổi giận, tôi cũng còn chưa biết thưa bẩm ra sao. Tôi đứng như trời trồng, nhìn cụ bước lên xe Von-ga, sầm sầm đóng cửa. Lái xe rú ga cho xe bò đi. Khi Chủ tịch, Bí thư cơ sở chạy đến, thì chiếc xe Von-ga đã đi khá xa rồi. Cả hai cùng lo sợ, hỏi tôi:

– Ông Thanh. Có chuyện gì không vừa lòng cụ thế?

Tôi trả lời:

– Không biết.

Thế là, ba chúng tôi cãi nhau. Bí thư, chủ tịch đều nhận khuyết điểm về mình. Họ cho rằng, cụ Chí giận là do hai cán bộ chủ chốt cấp dưới đã đến chậm. Họ còn khăng khăng với tôi là họ hiểu cụ Chí lắm. Tôi thưa lại với hai ông, chắc không phải như vậy. Thế là hai ông ấn lỗi cho tôi, cho rằng: tôi có thái độ láo xược nào đó với cụ. Tôi nói, tôi chưa nói lời nào đáng kể cụ giận. Hai ông cứ hỏi tôi mãi: “Vậy, tại sao cụ lại đùng đùng bỏ đi?”.

Vừa cãi cọ, ba chúng tôi vừa bước một cách chậm chạp trở về làng… Lúa đang độ chắc xanh tỏa hương ngào ngạt. Sau cùng, chúng tôi không ai nói với ai một lời nào nữa. Cả ba đều chưa hiểu vì sao cụ lại giận, nhưng đều mang nỗi lo âu: Tai họa sắp rơi xuống đầu chúng tôi rồi.

Câu chuyện có lặng đi đôi chút, rồi kỹ sư Hải mới tâm sự thêm:

– Tôi cũng là người có khuyết điểm trong chuyện này. Giá sau đó, tôi quay lại với các ông xin lỗi cụ rằng, các ông trả lời nhầm giống lúa thì không nên vạ. Thực tế, các ông cấy giống gì, cụ không cần biết. Nhưng các ông phải trả lời, ruộng đó là cấy giống lúa 1A, thì êm chuyện. Nhưng thú thật, hồi đó tôi cũng bị lừa. Còn các ông đây vẫn còn thật thà.

Hôm đó, sau khi ra tới đường nhựa, chiếc Von-ga phóng một mạch về trụ sở. Khác hẳn lúc trước, cụ chụp mũ cát trắng lên đầu, mắt luôn nhìn thẳng tới phía trước, không nghiêng bên này, nghiêng bên kia, không chuyện trò gì với chúng tôi nữa. Tôi và bạn tôi ngồi ở ghế đằng sau, biết cụ đang bực, cũng chẳng dám thưa bẩm gì. Khi xe về trụ sở, chẳng biết sự sợ hãi xâm chiếm chúng tôi từ lúc nào, mà cả hai đều vội vàng một giọng:

– Báo cáo cụ, chúng nó láo. Chúng nó coi thường nghị quyết của làng ạ.

Cụ hỏi:

– Phải xử lý thế nào các cháu?

– Thưa cụ, nhất định phải trị ạ. Nó coi thường nghị quyết là coi thường Đảng, coi thường cụ ạ.

Ngày lúc đó, ông chánh văn phòng làng đã tiến tới cửa xe, cung kính.

– Cụ đã về ạ. Mời cụ rửa tay, rồi xơi cơm ạ.

Cụ gạt đi, nói:

– Chốc nữa. Ăn uống gì. Bác đang có chuyện tày đình đây.

Ngoái lại phía chúng tôi, cụ ra lệnh.

– Gọi ngay tay thủ trưởng nông nghiệp sang đây. Láo! Mới có dăm ba cái hạt thóc, củ khoai đã thế. Nay, mai ta khoanh đồi, nuôi ngựa, nuôi dê, làm công nghiệp lớn, không nghiêm, làm chủ nghĩa xã hội thế nào? Láo!

Ông thủ trưởng nông nghiệp bị kiểm điểm thậm tệ, và buộc phải viết đơn về hưu non tối hôm đó. Còn những ông này?

Bác Thanh đỡ lời kỹ sư Hải:

– Chúng tôi cũng không chậm hơn mấy ngày. Đang ngày mùa, ngày màng bộn rộn mà chúng tôi phải tập trung toàn Đảng bộ lại, kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết của cấp trên… Thật thà, chúng tôi vẫn báo cáo là đã thay giống 1A bằng giống X. Thật tình giống nông nghiệp 1A chỉ được cái ngắn ngày, nhưng năng suất thấp lắm, lại khó làm và đặc biệt gạo lại không ngon. Hơn nữa, mới qua hai vụ cấy thử, giống đã bị thoái hóa. Chúng tôi có đưa ra xã viên bàn bạc chuyện này. Nhưng xã viên không ai chịu cấy. Chúng tôi đành chịu. Đối với nông dân thì chẳng có trời cao đất dày gì hết, cứ có cái gì cólợi là họ kéo theo, làm theo. Chúng tôi nghĩ, chúng tôi làm đúng. Những tưởng báo cáo để cấp trên tham khảo, chứ có ngờ đâu, đó là công trình khoa học nông nghiệp của cụ Chí.

Ông trưởng ban kiểm tra Đảng cấp trên đến thanh tra việc kiểm điểm của chúng tôi. Ông chỉ cho xem qua biên bản. Không nói lại với chúng tôi một lời, ông phóng xe đi ngay.

Ngày hôm sau, bí thư, chủ tịch cấp trên và một đoàn cán bộ xuống hợp tác xã. Bí thư, chủ tịch ra lệnh tập hợp toàn Đảng bộ cấp dưới lại, công bố:

– Cách chức bí thư Đảng ủy…, lưu Đảng mười tháng. Cách chức chủ tịch…, lưu Đảng mười tháng. Cách chức chủ nhiệm hợp tác xã… lưu Đảng tám tháng. Lý do: cả ba đều không chấp hành nghị quyết của làng. Nông nghiệp 1A đã được quán triệt, tại sao dám để X. phá lưới?

Hồi đó, tôi uất quá định đi kiện. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau đó, chủ tịch, bí thư vừa ký quyết định cách chức tôi, cũng bị bí thư, chủ tịch cấp trên hơn ra lệnh cách chức tiếp, với lý do cũng tương tự như tôi, thì còn kiện cái nỗi gì!.

Kỹ sư Hải bình luận:

– Không phải chỉ ở địa phương này mới xảy ra chuyện kỷ luật như thế. Ở địa phương khác cũng có, nhưng ít hơn và các lão ấy khôn hơn. Họ cũng như ở đây, đều thay giống nông nghiệp 1A bằng giống X. Nhưng để cho cụ Chí vui lòng, họ cứ báo cáo tất cả là giống 1A. Cụ Chí không biết gì về giống lúa, cứ tưởng thật. Nhưng rồi, chính từ các ông đây mà sự thật được phanh phui. Dự định đóng góp cho lịch sử cách mạng giống nông nghiệp một bài học của các cụ đã thất bại. Và để răn dạy những người “ăn gian, nói dối”, cụ đã chỉ đạo làng ra quyết định cách chức một loạt.

Tôi là người cuối cùng bị buộc phải về hưu non. Được hưởng cái ơn huệ cuối cùng đó là tôi phải kỳ cạch viết tiếp báo cáo trình trung ương làng, dài trên năm mươi trang cho cụ Chí.

Tôi ngỏ ý muốn được xem bản báo cáo khoa học nhưng kỹ sư Hải cho biết, hiện nó đang nằm ở viện bảo tàng. Công trình do anh viết, nhưng lại ký tên cụ Chí, nên anh không có quyền rút lại. Hỏi kỹ thêm về một số chi tiết của báo cáo khoa học “Nông nghiệp 1A phá cửa ải năm tấn”, kỹ sư Hải có ý ngượng. Kỹ sư muốn tôi gạt chuyện này đi, vì nó chỉ là báo cáo khoa học theo ý muốn của cụ Chí.

Bác Thanh bình luận:

– Chuyện “Nông nghiệp 1A phá cửa ải năm tấn” xảy ra cũng lâu rồi, nhưng trong dân luận làng Vũ Đại vẫn chưa quên. Bạn bè, rồi bà con nông dân trong làng đến bây giờ vẫn gọi chúng tôi là lớp cán bộ “X. phá lưới”. Đó là món nợ đời của chúng tôi. Trước thì chúng tôi không dám, nay đổi mới rồi, anh là nhà báo, tôi muốn anh làm thế nào để cho hai người và bó lúa trong bức ảnh này rõ lên, rồi đem đến báo Đồng Bào, nhờ họ đính chính lại giúp chúng tôi. Cái bông lúa trên bức ảnh này, không phải là lúa 1A đâu, nó là lúa X. đấy. Lúa 1A hạt nó tròn, còn đây, hạt nó dài.

Tôi cầm lại từ tay bác Thanh bức ảnh mờ ấy, mà lòng ngổn ngang. Bông lúa X. được chú thích là lúa 1A, qua thời gian cất giữ, giờ đã ẩm mốc. Cái màu đen của ảnh in trên giấy báo cũng đã phai mờ, nhòe nhoẹt, chỉ có khuôn mặt hai người và nụ cười của họ còn thấy phơn phớt. Bức ảnh đã trở thành kỷ vật lịch sử thiêng liêng, dấu ấn của một thời tội lỗi. Tôi phân vân. Tôi không dám chắc báo Đồng Bào đã in nhầm, hay cố tình in nhầm nội dung của bức ảnh, có dám đính chính lại không. Vì tôi biết từ trước đến nay, báo Đồng Bào chưa làm chuyện đó bao giờ. Tôi ngước đôi mắt kém tin tưởng nhìn hai người. Hai người nông dân chừng như hiểu ra điều đó, vội nói:

– Không phải chúng tôi muốn cầu lợi gì ở bức ảnh này đâu. Cái chính là giúp tay thợ ảnh biết mình nhầm, để khỏi chọn ảnh mang đi dự triển lãm ảnh quốc tế mà người ta cười cho thôi.

Ôi chao! Những người nông dân nhà quê ngàn năm chân chất. Có lẽ vì thế mà những hạt thóc, củ khoai thời nào cũng thơm lừng, ngào ngạt chăng? Tôi thưa với hai bác:

– Tôi xin thay mặt cho báo giới, nhận lỗi với hai bác. Hai bác muốn đính chính bức ảnh cũng chỉ nhằm sửa sai cho báo chí, kẻo mấy ông nhà báo cung đình lại đem đi triển lãm quốc tế thì quốc thể còn ra gì.

Người kể chuyện sử làng Vũ Đại hỏi:

– Cái ông “nhà nông cự phách ấy”, giờ ở đâu nhỉ?

– Ở trong đám quan chức làng Vũ Đại, chứ còn ở đâu nữa!

Phần III

Ám ảnh một dòng sông

Dòng người, dòng người, hai mắt đỏ hoe, môi mím chặt, chân bước nhẹ nhàng, lặng lẽ đi vòng quanh quan tài người anh hùng vừa tạ thế. Trong dòng người dài dằng dặc đó, không ai nghĩ đến ai. Tất cả đang hướng tâm linh đến người vừa tạ thế: thành kính, trang nghiêm.

Bỗng, một người ngã sấp mặt xuống quan tài. Công an bảo vệ nhận ra người đó trong đoàn đại biểu giới Phật giáo, bởi bộ quần áo nâu sòng mặc trên người, và cái khăn cũng nâu sòng quấn trên đầu rất chặt. Thấy người bị nạn, theo phản xạ tự nhiên, đoàn đại biểu Phật giáo hình như có dừng lại nửa bước. Và trong khi chưa ai kịp cúi xuống nâng người bất hạnh dậy, thì công an ra hiệu: Cứ đi. Ba người công an khác nhanh nhẹn xốc nách người bị ngất dậy và dùng cáng đưa ra khỏi khu vực tang lễ.

Trông đôi lông mày rậm, nước da bờn bợt, đôi mắt to và cái đầu cắt trọc, khó phân biệt được người bị ngất là nam hay nữ. Động tác cấp cứu cần thiết của bác sĩ đã xác nhận cho công an, đó là một ni cô, tuổi khoảng ba lăm.

Cô vẫn như tỉnh, như mơ.

Tỉnh, với kích thích của thuốc trợ lực, cô thấy đầu óc minh mẫn, sáng suốt tới tận chân tơ kẽ tóc. Oan ức cuộc đời hiện lên. Sự bế tắc bất ngờ dâng ngập tâm trí cô. Sự tỉnh táo làm cô đau đớn dữ dội. Nước mắt cô ứa ra. Cô gào lên thảm thiết.

– Bác Chí ơi! Bác chết, nỗi oan nghiệp của con, ai giải cho con?

Thời ấy, đem bác Chí ra để khóc, hoặc ngược lại đều là chuyện tày đình, sởn gai ốc. Thấy chuyện lạ, mang màu sắc nghi vấn, công an bảo vệ điện báo lên cấp trên. Mười phút sau, một chiếc xe Sít-đờ-ca ba bánh phóng tới.

Họ chăm chú quan sát bộ mặt cô gái. Mặt cô có một cái gì đó ngờ ngợ, nghi ngờ. Họ nháy mắt và kéo nhau đi tới một gốc cây liễu hội ý. Sau đó, một người nào vào phòng gọi điện thoại tiếp. Cô gái nằm trên giường cấp cứu vẫn kêu oan thảm thiết:

– Bác Chí ơi! Bác chết, nỗi oan ai giải cho con?

Khoảng năm phút sau, một Sít-đờ-ca khác lại phóng tới. Họ mở ảnh đối chiếu. Họ bàn tán xì xào. Kẻ lắc đầu, người gật đầu. Tất cả cùng nhìn với cái nhìn nghiêm trang, sắc lạnh về người phụ nữ. Sau đó họ tiến đến sát cô. Cô gái vẫn mải mê gào khóc:

– Bác Chí ơi!!!…

Một công an vỗ vỗ vào trán cô gái, hỏi:

– Cô tên gì?

Cô gái:

– Cúc.

Công an:

– Địa phương nào?

Cô gái lắp bắp:

– Xã…, huyện…, tỉnh…

Công an nghe xong, đứng bật dậy. Họ ra lệnh bắt Cúc ngay. Cúc bị trói không phản ứng gì. Hình như cô không có cảm giác cái khóa số tám đang khóa chặt đôi tay yếu ớt của cô.

Một đồng chí công an giải thích:

– Đây là con Võ Thị Cúc, con ông Võ Đức Nội, gián điệp Mỹ, đội lốt thầy tu mà ngành công an ta tìm kiếm đã mấy năm nay mới thấy.

Cúc bị ném lên Sít-đờ-ca, có công an áp tải, phóng đi. Từ đó, Cúc hầu như bị mất tích trên cõi đời này.

Tới nay, dân làng Vũ Đại vẫn còn kể: Cách đây mấy năm, có thấy một người con gái, trạc bốn lăm tuổi thường xuất hiện bên cầu Rồng, bắc qua sông Ngựa. Vào những ngày nắng to như ngày mùng 3 mùng 4 tháng 4 năm 1964, cô gái một mình leo lên đỉnh núi Ngọc. Quần áo cô rách bươm. Ngang bụng cô luôn có một sợi dây thừng quấn quanh, chéo qua vai là một chiếc gậy tre, tựa như khẩu súng trường dài. Trông cô giống cô dân quân chiến đấu thời máy bay Mỹ leo thang bắn phá. Hàng ngày, cô thường leo lên đỉnh núi Ngọc, núi Rồng. Tại đây, cô thường chĩa gậy lên trời, miệng thét lớn, đến khản cổ: “Bắn… Bắn… Bắn…”. Sau đó, cô lại dùng gậy làm đạo cụ múa may, quay cuồng. Vừa múa, cô vừa hát vang những bài ca chiến tranh với giọng khản đặc, ồm ồm, không phân biệt là giọng nam, hay nữ.

Lại có những ngày, cô gái ôm một cây chuối trôi xuôi dòng Vũ Đại. Khi đến chân cầu Rồng, cô buộc cây chuối vào trụ cầu. Tay vừa bám vào trụ cầu, tay vừa giương gậy làm súng, nhằm vào cầu Rồng, miệng cô lại thét vang: “Bắn… Bắn… Bắn”. Hết hô bắn, cô lại nhào mình xuống nước, ôm lấy cây chuối ngụp lặn như đang chiến đấu một sống, một chết với nước. Trông cô cứ như con điên. Dân vùng này kể lại rằng: thời chiến tranh có một chiếc máy bay Mỹ,cả gan bay qua gầm cầu. Thế mà nó không bị bắn rụng! Thằng cha lái mới gan dạ làm sao. Dân làng Vũ Đại đến nay, thỉnh thoảng còn tức!.

Hiện nay, cô gái đã chết. Có người nói: Một hôm, cô đang vùng vẫy dưới gầm cầu Rồng thì bất ngờ lũ từ thượng nguồn đổ xuống cuốn cô về với biển cả. Có người nói không phải vậy. Cô ta chết vào một ngày nắng đẹp, trời trong. Chẳng phải tai nạn gì, mà do trẻ con thấy lạ đã từ trên cầu ném đá xuống. Không may đá trúng phải cô.

Lại có người nói: Hiện nay cô vẫn sống. Đấy như tiếng hát, tiếng gào của cô dân làng Vũ Đại vẫn thường nghe mỗi khi gặp hôm nắng đẹp, trời trong, hay gặp hôm mưa phùn, gió bấc. Dân gian còn xì xào: Oan hồn cô Cúc về đòi nợ làng đấy. Nhiều người đã thắp hương giải oan cho cô. Nhưng Cúc vẫn chưa chịu yên. Làng nợ gì cô Cúc? Làng Vũ Đại nói: Chính hắn còn sống đấy. Cứ đến thẳng nhà hắn mà đòi có hơn không? Hãy đến đúng nơi gieo mầm tai họa cho cô.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_6
Phan_7 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .